Ngày 2/10,àBinanceMỹbịkiệntrướcngàyôngchủFTXhầutòsông nho quế đơn kiện tập thể nhắm đến sàn Binance.US và CEO Changpeng Zhao (CZ) đã được gửi lên Tòa án quận Bắc California. Phía nguyên đơn cho rằng Binance cạnh tranh không lành mạnh và có những hành động dẫn đến việc FTX bị phá sản. Họ cũng dẫn các bài đăng của CZ trên Twitter, nay là X, hồi đầu tháng 11/2022 trước khi FTX sụp đổ.
Mọi việc bắt đầu vào ngày 6/11, CZ thông báo trên X về việc nắm giữ mã token FTT của FTX. Khi đó, nhà sáng lập Binance được cho là sở hữu số FTT trị giá hơn hai tỷ USD.
Ngày 7/11, CZ xác nhận về quyết định thanh lý số token này với lý do "là bước quản lý rủi ro cần thiết". Một ngày sau, nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried và CZ đưa ra tuyên bố về một thỏa thuận chiến lược giữa hai bên. Tuy vậy, xung đột lên đến đỉnh điểm vào 9/11 khi CZ thông báo Binance rút khỏi thỏa thuận và bán toàn bộ số FTT vì lo ngại một cú sập Luna thứ hai.
Theo phía nguyên đơn, việc CZ công khai thông tin bán token và rút khỏi thỏa thuận đã gây tổn hại nghiêm trọng cho FTX, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của sàn. Họ cũng cho rằng đoạn tweet của CZ ngày 6/11 với nội dung "vì thông tin mới được đưa ra ánh sáng, chúng tôi quyết định thanh lý tất cả FTT còn lại trong danh mục đầu tư" đã gây hiểu nhầm, khiến thị trường hoang mang và giá token lao dốc.
"Dòng tweet đã khiến giá FTT từ 23 USD sụt mạnh xuống còn hơn 3 USD, đẩy FTX vào bước đường phá sản. Các lãnh đạo công ty không còn cơ hội để cứu vãn cũng như bảo vệ người dùng", nhóm nộp đơn lập luận. Họ yêu cầu được bồi thường thiệt hại bằng tiền, chi phí kiện tụng và phân chia khoản lợi nhuận mà Binance có được từ sự sụp đổ của FTX.
Đơn kiện được nộp trong bối cảnh phiên tòa hình sự của Sam Bankman-Fried sẽ diễn ra ngày 3/10 tại New York.
Sam Bankman-Fried, sinh năm 1992, vốn được xem là thần đồng của thị trường tiền mã hóa. Tên tuổi của ông gắn với các dự án đình đám như BlockFi, Voyager Digital và Celsius. Năm 2019, ông thành lập FTX và tích cực vận động hành lang nhằm xây dựng một sàn giao dịch tiền mã hóa được pháp luật bảo hộ. Năm 2021, khi FTX trên đỉnh cao, Bankman-Fried từng tuyên bố muốn thâu tóm cả CME Group và ngân hàng Goldman Sachs. Tuy nhiên, "lâu đài trên cát" bắt đầu sụp đổ khi những lỗ hổng tài chính được công bố vào tháng 11/2022. Ngày 11/11, FTX tuyên bố phá sản.
Đến 12/12, chính quyền Bahamas thông báo bắt giữ Sam Bankman-Fried, sau đó ông được dẫn độ đến Mỹ. Cựu CEO FTX đối mặt với các tội danh liên quan đến lừa đảo hàng hóa, gian lận chứng khoán và vi phạm tài chính trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Theo CNN, Sam Bankman-Fried có thể phải đối mặt án tù hơn 100 năm nếu bị kết tội. Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cho rằng cú sập FTX có thể là một trong những vụ lừa đảo nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ. Khoảng 8,9 tỷ USD tiền gửi của khách hàng và quỹ đầu tư đã bị thổi bay.
Vài ngày trước phiên tòa, Aditya Baradwaj, cựu nhân viên của FTX, nói với Cointelegraphrằng chính "chế độ độc tài nhân từ" đã khiến FTX sụp đổ. Dưới thời của mình, Bankman-Fried đã dùng tiền của nhà đầu tư để chi tiêu vô tội vạ cho những sở thích cá nhân như thuê máy bay để giao hàng online cho toàn bộ nhân viên; mua bất động sản có tên "ngôi nhà dứa"...
Sam Bankman-Fried khẳng định mình vô tội. Phiên tòa lịch sử sẽ diễn ra từ 3/10 và dự kiến kết thúc vào 9/11. Cả cựu nhân viên và nhà đầu tư của FTX cũng đã được mời ra làm chứng, chống lại Bankman-Fried.
Khương Nha (theo Cointelegraph)